Nổi danh thời loạn Mã Lân (nhà Đường)

Loạn An Sử nổ ra, năm Chí Đức đầu tiên (756), Lân thống lãnh 3000 giáp sĩ, từ Nhị Đình [2] chạy đến Phượng Tường, Đường Túc Tông lấy làm lạ, cho ông tham gia đông thảo. Lân tham gia diệt nghĩa quân ở giao giới đất Thiểm, phá địch ở Hà Dương, đều lập được công lớn. Lân theo Phó nguyên soái Lý Quang Bật đánh phản quân ở Lạc Dương, Sử Triều Nghĩa tự lĩnh tinh binh, chống lại quan quân ở Bắc Mang, doanh lũy như núi, khải giáp sáng choang, chư tướng kinh sợ không dám động. Lân một mình soái bản bộ, cầm ngang mác mà xông vào trận địch, tấn công mấy hiệp, kẻ địch tránh né tan chạy. Lý Quang Bật khâm phục, nói: “Tôi dùng binh 30 năm, chưa thấy lấy ít đánh nhiều, giành được thắng lợi như Mã tướng quân.” Sau đó Lân được thăng làm Thí (thử) Thái Thường khanh.

Năm sau, quân Thổ Phiên xâm phạm, Lân nhận chiếu đi cứu viện Hà Tây. Năm Quảng Đức đầu tiên (763) thời Đường Đại Tông, Bộc Cố Hoài Ân bất mãn, dụ quân Thổ Phiên vào cướp bóc, Đại Tông chạy ra Thiểm Châu. Lân ngay hôm ấy từ Hà Hữu quay về, muốn chặn đường lui của quân Phiên, đến Phượng Tường thì gặp địch đang vây thành. Bấy giờ Phượng Tường tiết độ sứ Tôn Chí Trực đóng chặt cửa cố thủ, Lân hăng hái đột phá vòng vây, chạy vào cửa treo; sau đó ông không cởi giáp mà xông ra ngoài, tựa lưng vào thành quyết chiến, khiến quân Phiên tan chạy. Lân đem kỵ binh mạnh truy kích, chém được hàng ngàn kẻ địch, máu chảu đỏ ngòi, do vậy tiếng tăm càng nổi. Đại Tông về cung, triệu kiến úy lạo Lân, cho ông thụ kiêm Ngự sử trung thừa.